ANH ĐI ANH NHỚ… NHỮNG GÌ?

Trong kho tàng thơ ca dân gian Việt Nam có nhiều bài ca dao bộc lộ tình cảm cao đẹp của người lao động. Một số tác phẩm trong đó vốn là bài thơ do một tác giả sáng tác nên, nhưng qua quá trình phổ biến, lưu truyền, đã được “dân gian hóa” đến mức ít người còn biết đến tác giả đích thực của nó, mà chỉ thuộc nằm lòng tác phẩm và nghiễm nhiên xếp nó vào thể loại ca dao dân gian. Một trong những viên ngọc quý đó là bài thơ/ ca dao:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
[Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, NXB Văn học, H.1984, tr. 152]
Về chủ đề của bài ca dao này, đã có nhiều ý kiến xếp nó vào loại ca dao biểu lộ tình yêu quê hương đất nước.
Đỗ Bình Trị - Bùi Văn Nguyên [Thơ ca dân gian Việt Nam , Nxb Giáo dục, H.1976, tr.42] đã viết: “xuyên thấm trong nỗi nhớ của tình cảm yêu thương ở đây là tình cảm quê hương và niềm gắn bó với lao động”.
Phạm Văn Tình thì cho rằng bài ca dao này là “niềm cảm thông, là tình thương và bao trùm lên tất cả là tình yêu (của người ra đi) dành cho chốn quê nhà” [Tiếng Việt từ cuộc sống, Nxb Trẻ 2004, tr.210].
Không phải không có lí khi các tác giả trên xếp bài ca dao vào loại tác phẩm mang chủ đề tình yêu quê hương đất nước. Nhưng có phải chỉ như vậy thôi không?
Chúng ta lưu ý đến những từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài. Trước tiên là từ “nhớ”. Trong một bài ca dao ngắn chỉ có bốn câu hai mươi tám tiếng mà từ “nhớ” đã xuất hiện đến năm lần với nhiều cung bậc tình cảm phong phú, là một tần số khá cao!
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Thoạt tiên là nỗi nhớ mênh mang về quê hương, được cụ thể hoá bằng từ “quê nhà”, nghe gần gũi, gắn bó và thân thương hơn nhiều. Nỗi nhớ quê hương càng được cụ thể hóa thêm bằng nỗi nhớ về những món ăn thông thường mang đậm phong vị quê hương, tiêu biểu cho lối sống nông nghiệp tự cung tự cấp, nhưng cây trái quê mùa “canh rau muống, cà dầm tương”.
Từ nỗi nhớ chung về quê hương, dẫn đến nỗi nhớ các món ăn quen thuộc và thu hẹp dần nội hàm đến nỗi nhớ về con người và công việc lao động.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Hình ảnh “tát nước bên đường” làm người đọc lập tức liên tưởng đến một câu ca dao đẹp khác trong kho tàng văn học dân gian:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Đó là nỗi nhớ của một người ra đi, đã từng trải qua cảnh ngộ gian khổ, nhớ về những người lao động cùng cảnh “một nắng hai sương” với mối đồng cảm sâu sắc. Điệp từ  “nhớ” đã khắc họa sâu sắc tình cảm của người ra đi trong nỗi nhớ nhiều cung bậc.
Như một khúc vĩ thanh, toàn bộ tình ý của bài ca dao được kí thác trong câu cuối cùng:
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Gói gọn trong tám tiếng có con người, có công việc lao động quen thuộc, có địa điểm và có thời gian, tất cả hằn sâu trong kí ức của người ra đi. Nét đặc sắc của câu ca dao là tuy có đầy đủ tất cả nhưng lại như không có gì vì nó hoàn toàn mơ hồ đối với người đọc chúng ta. Lớp sương khói  mơ hồ ấy được dựng nên bởi thủ pháp sử dụng những phương tiện phiếm định. “Ai” là một đại từ chỉ người phiếm chỉ, “bên đường” là một địa điểm bất định, đến lượt “hôm nao” cũng là một thời điểm không xác định nốt. Nó chỉ mơ hồ đối với chúng ta nhưng hoàn toàn có sở chỉ và được xác định rất cụ thể đối với những “ai” trong cuộc, thậm chí đây là những kỉ niệm sâu sắc, gây ấn tượng sâu đậm trong tâm tưởng họ.
Cách xưng hô “ai” dè dặt ấy, khó có thể xuất hiện trong quan hệ vợ chồng, mà lại thường trực hiện diện trong chuyện trò của tình yêu đôi lứa, là mối quan hệ nam nữ trong giai đoạn thăm dò còn nhiều ngại ngùng, e lệ.
Đến đây ta thấy rõ bài ca dao thoạt tiên nói về tình yêu quê hương rồi thu hẹp, cụ thể dần vào tình yêu người lao động và cuối cùng, đến tâm điểm trong câu kết là tình yêu lứa đôi.
Do đó, có thể nói một cách đầy đủ nhất, đây là bài ca dao biểu lộ tình yêu của người con trai đi xa đối với người con gái yêu thương ở chốn quê nhà, tình yêu lứa đôi quyện hoà trong tình yêu quê hương đất nước, tình yêu những người lao động.
Về mặt nghệ thuật, ngoài thủ pháp sử dụng điệp từ, sử dụng đại từ phiếm chỉ kết hợp với lối nói vòng kín đáo từ xa đến gần, từ rộng đến hẹp, toàn bộ bài ca dao như được bao trùm trong không khí bình dị của làng quê thân thuộc. Đó là hiệu ứng từ cách chọn lựa, sử dụng những từ ngữ mộc mạc,  giản dị như lời ăn, tiếng nói hằng ngày của người nông dân quê nhà: canh rau muống, cà dầm  tương, tát nước… Trong cả bài ca dao không hề có một từ Hán Việt trang trọng mà xa cách nào. Thành ngữ “một nắng hai sương” được đưa vào trong văn cảnh một cách đúng lúc, đúng chỗ nhất.
Cách sử dụng hai điệp từ phối hợp với nhau: “anh đi – anh nhớ” làm chúng ta liên tưởng đến bước chân bồi hồi của những người con lòng tràn đầy tình yêu quê hương nhưng phải dứt áo ra đi vì miếng cơm manh áo hay vì một lí do gì khác. Bởi vậy nên bước chân đi có vẻ dùng dằng, không quả quyết có chút lưu luyến và níu kéo vô hình.
“Anh đi – anh nhớ”, bắt đầu bước chân ra đi thì cũng bắt đầu dậy lên nỗi nhớ:
Không đi thì nhớ thì thương
Đi rồi lại nhớ cái  mương, cái cầu.
Không đi thì thảm thì sầu
Đi rồi lại nhớ cái cầu, cái mương.”
                                                                                                   (Ca dao)
Đây là một bài thơ/ ca dao trữ tình tiêu biểu mang đậm phong vị dân gian, không trau chuốt, gọt giũa bóng bẩy như một số bài ca dao khác. Tác giả đã khéo léo phả vào câu chữ một tâm hồn dân gian mộc mạc; thể hiện một cách chân thực tâm tư, nguyện vọng, tình cảm thuần phác của người nông dân.
Bài ca dao bảng lảng một nỗi nhớ đằm thắm, thiết tha, mãnh liệt mà sâu kín. Nó nổi bật lên trong kho tàng văn học dân gian như một hòn đá quý còn nguyên sơ, xù xì, thô ráp bởi phong vị bình dân, mộc mạc của nó. Những tình cảm ý nhị, cao đẹp được hàm chứa trong một hình thức hết sức dân dã, bình dị với một sự kết hợp hoàn hảo nhất.
Macxim Gorki từng nói: “Cái đẹp nằm trong sự giản dị” - Đây là một bài ca dao hay và đẹp bởi chính sự giản dị của nó.
01/10/2018

Nhận xét